Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội: Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố, trong tháng 4/2022 đã kiểm tra 1.204 vụ.

Trong tháng 4 năm 2022, Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố thực hiện kiểm tra: 1.204 vụ; xử lý: 944 vụ. Khởi tố 04 vụ đối với 12 đối tượng.

Bước sang tháng 4, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã có những dấu hiệu tích cực. Thị trường cung cầu hàng hóa và giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 về cơ bản ổn định.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các lực lượng chức năng Thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát; tuy nhiên tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… vẫn còn xảy ra; đặc biệt hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và các giải pháp hiệu quả về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ việc lớn có liên quan đến các mặt hàng như quần áo, thực phẩm, phụ kiện điện thoại, thuốc lá, xăng dầu…

Ban chỉ đạo 389/TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố tích cực, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn Thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm,... đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng.

Cụ thể: Trong tháng 4/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra: 1.204 vụ; xử lý: 944 vụ. Khởi tố 04 vụ đối với 12 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu: 179 vụ, hàng giả, vi phạm SHTT: 62 vụ, gian lận th­ương mại: 703 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước: 57 tỷ 142 triệu đồng, trong đó: phạt hành chính: 22 tỷ 396 triệu đồng, truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra (gồm Công an, Hải quan, Thuế): 34 tỷ 746 triệu đồng. 

Trong đó:

- Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố:

+ Với vai trò là Cơ quan Thường trực đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.

+ Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn; xây dựng các phương án kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa. Chú trọng công tác kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong tháng, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra: 363 vụ, xử lý: 312 vụ. Phạt hành chính: 2 tỷ 895 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm: 3 tỷ 79 triệu đồng.

- Công an thành phố Hà Nội: Trong tháng, Công an Thành phố đã kiểm tra 83 vụ, xử lý: 78 vụ. Phạt hành chính: 1 tỷ 349 triệu đồng; truy thu thuế: 2 tỷ 452 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm: 2 tỷ 359 triệu đồng. Khởi tố 04 vụ đối với 12 đối tượng.

- Cục Hải quan thành phố Hà Nội: Trong tháng, Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý: 86 vụ, phạt hành chính: 463 triệu đồng; truy thu thuế 5 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm 8 tỷ 415 triệu đồng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: Trong tháng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thanh tra, kiểm tra 96 tổ chức, cá nhân; xử phạt 10 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 68 triệu đồng.

- Sở Y tế Hà Nội: Trong tháng, Sở Y tế thanh tra, kiểm tra 81 tổ chức, cá nhân, xử phạt 56 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 1 tỷ 218 triệu đồng.

- Cục Thuế thành phố Hà Nội: Trong tháng, Cục thuế Thành phố thanh tra, kiểm tra, xử lý 396 doanh nghiệp vi phạm. Phạt hành chính: 16 tỷ 145 triệu đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra: 32 tỷ 289 triệu đồng.

- Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội: Trong tháng, Sở Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra, rà soát 06 tổ chức, cá nhân, xử lý 01 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 138 triệu đồng.

- Sở Tài chính Hà Nội: Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức xử lý đối với tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo phương án xử lý đã được phê duyệt.

- Sở Công Thương Hà Nội: Thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các doanh nghiệp và đơn vị ở những lĩnh vực Công Thương quản lý như an toàn thực phẩm, hoạt động bán hàng đa cấp, hội chợ, khuyến mại, thương mại điện tử...

- Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội: Trong tháng, Sở Văn hoá và Thể thao thanh tra, kiểm tra kiểm tra 99 cơ sở doanh dịch vụ văn hóa và thể thao trên địa bàn Thành phố; xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 trường hợp trong lĩnh vực quảng cáo với tổng số tiền phạt 120 triệu đồng.

- Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và sở hữu trí tuệ đối với các tổ chức, cá nhân, sản xuất kinh doanh hàng hóa; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, các hành vi đóng gói hàng hóa không đủ định lượng, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định.

- Các Sở, ngành thành viên khác trong BCĐ 389/TP: Các sở, ngành thành viên BCĐ 389/TP khác tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND Thành phố và BCĐ 389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn Thành phố theo chức năng, lĩnh vực quản lý.

- Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã:

+ Triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 389/TP về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu.

+ Xác định rõ các trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý và tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

+ Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.

+ Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị...

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2022: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố trong tháng 5, Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã xác định 7 nhiệm vụ cơ bản sau:

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND Thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

- Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389/TP và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 02/KH-BCĐ389/TP ngày 16/02/2022 của BCĐ 389/TP về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản chỉ đạo đã ban hành trong năm 2022.

- Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.

- Giao Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố triển khai Kế hoạch kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm năm 2022 trên địa bàn Thành phố của Ban Chỉ đạo 389/TP; đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm.

- Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm SHTT, hàng kém chất lượng trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền hình, báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và ATTP trên địa bàn Thành phố.

- Các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý.