QLTT Hà Nội: Tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2023.

Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2023.

Sáng ngày 07 tháng 4 năm 2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Cục, các Trưởng phòng, Đội trưởng, Phó trưởng phòng, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội.

* Đánh giá kết quả công tác quý I năm 2023:

Trong Quý I, đặc biệt tại thời điểm chuẩn bị diễn ra dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa dịp này diễn ra sôi động do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Giá cả của các loại hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết về cơ bản có tăng nhẹ. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục được duy trì, lưu thông thông suốt, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Sau Tết Nguyên đán, tình hình hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra tương đối ổn định. Tuy nhiên, với mặt hàng xăng dầu đã thực sự có nhiều biến động. Tại một số thời điểm trong ngày trước khi có sự điều chỉnh giá, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị gián đoạn nguồn cung nên đã đóng cửa, không bán hàng. Đến tháng 3, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và sự vào cuộc của lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hoạt động kinh doanh buôn bán mặt hàng xăng dầu về cơ bản đã ổn định, đảm bảo để phục vụ người dân.

Tình hình vi phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vẫn còn phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhóm hàng như: buôn bán trao đổi hàng hóa qua mạng, các kênh thương mại điện tử, buôn bán hàng lậu, hàng hóa giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm (bánh trung thu, thịt lợn…), kinh doanh xăng dầu, LPG, kinh doanh rượu, bia, đồ chơi trẻ em, hóa chất (N2O)… Đặc biệt, hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa qua mạng, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán hàng lậu, hàng hóa giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Trước tình hình đó, yêu cầu công tác phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm và gian lận trên địa bàn Thành phố cần có giải pháp cụ thể, thiết thực và góp phần ổn định thị trường an sinh xã hội.

Để góp phần ổn định tình hình thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục làm tốt công tác rà soát, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, không để các đối tượng lợi dụng tình hình kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, đặc biệt trong môi trường kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tạo khan hiếm nguồn cung ứng xăng dầu giả để trục lợi bất hợp pháp.

+) Về số liệu kiểm tra, kiểm soát: (16/12/2022 – 15/3/2023)

- Tổng số vụ kiểm tra: 1.060 vụ.
Số tiền phạt hành chính: 15.355.192.700 đồng. (đạt 23,62% so với chỉ tiêu cả năm)

Trị giá hàng hóa tịch thu: 7.012.863.000 đồng.

Trị giá hàng hóa tiêu hủy: 14.543.204.000 đồng.

- Số vụ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra: 19 vụ.

* Phương hướng nhiệm vụ các tháng tiếp theo năm 2023:

- Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì công tác kiểm tra định kỳ đã được phê duyệt trong năm 2023. Tập trung kiểm tra trọng tâm trọng điểm những lĩnh vực do ngành Công thương quản lý như: bánh kẹo, rượu, bia, xăng dầu…đặc biệt là trong tháng an toàn thực phẩm 2023 Nếu phát hiện các hành vi vi phạm hành chính chủ động kiểm tra, xử lý ngay các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tổ chức lấy mẫu kiểm định chất lượng đối với sản phẩm lưu thông và nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, nước giải khát; hoạt động sản xuất, lưu thông các sản phẩm rượu thủ công, rượu nhập khẩu.

- Gắn trách nhiệm quản lý địa bàn của công chức, đơn vị Quản lý thị trường địa phương và nhất là vai trò và trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng đơn vị Quản lý thị trường quản lý địa bàn; tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng khác, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan khác trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm ATTP… Phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại trong các đợt khuyến mại tập trung, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục giải quyết các đơn thư, tổng hợp báo cáo kết quả xử lý thông tin phản ánh theo Hotline của Tổng cục.

- Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Cường.

- Kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ và kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với Đội QLTT số 12, 22

- Tiếp tục phối hợp tốt với cơ quan thông tấn báo chí phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và không tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, đồng thời tích cực tố giác các hành vi phạm tội.

- Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành Thành phố để tham mưu giúp Ban chỉ đạo 389 Thành phố trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị đồng chí Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã đánh giá những nỗ lực của các Phòng, Đội trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong Quý I, đồng chí Cục trưởng cũng đã chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục ngay và đã có những chỉ đạo về các phương hướng, nhiệm vụ trong Quý II năm 2023.