QLTT Hà Nội: Tổ chức Lễ kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường (03/7/1957 – 03/7/2020).

Ngày 03 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội. Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội long trong tổ chức Lễ kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường (03/7/1957 - 03/7/2020). Đến dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Phạm Bá Vĩnh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Thành phố, đồng chí Chu Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng uỷ các đồng chí Lãnh đạo Cục, các đồng chí là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Đội trưởng các Đội QLTT trực thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội.
Tại buổi Lễ được sự phân công của Ban tổ chức, đồng chí Trần Việt Hùng - Phó Bí thư Đảng uỷ - Phó Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hà Nội đọc thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và thư của Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhân 63 năm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường (03/7/1957 - 03/7/2020) gửi tới toàn thể các đồng chí cán bộ, công chức và người lao động toàn lực lượng Quản lý thị trường. Sau phần đọc thư của Bộ trưởng Bộ Công Thương và thư của Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, đồng chí Chu Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội thay mặt Ban Chấp hành Đảng uỷ, Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, đọc diễn văn kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường (03/7/1957 - 03/7/2020)
Trong diễn văn của đồng chí Cục trưởng đã ôn lại truyền thống vẻ vang của lực lượng QLTT sau 63 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công thương, các thế hệ công chức và người lao động lực lượng Quản lý thị trường đã đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kể cả những hy sinh, mất mát để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường ngày càng lớn mạnh, trở thành lực lượng chuyên trách, khẳng định vai trò chủ công trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa”.
Trong suốt chặng đường 63 năm hình thành và phát triển, cùng với lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước nói chung và lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội nói riêng đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, đồng thời đã có những bước trưởng thành mới và thực sự đã trở thành một lực lượng chuyên trách, quan trọng không thể thiếu trong hệ thống quản lý nhà nước về kinh tế, nhất là trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội luôn quan tâm sâu sắc công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác đào tạo nhằm nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của Cục; thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Lãnh đạo chủ chốt; đã bố trí sắp xếp các chức danh Lãnh đạo các phòng, Đội Quản lý thị trường phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực và sở trường của từng cán bộ công chức nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Đổi mới phương thức lãnh đạo trong Cấp ủy Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo Cục QLTT TP Hà Nội hoàn thành tốt các nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị về chuyên môn, công tác đoàn thể, chính trị - xã hội trong toàn Cục, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô; đặc biệt đã góp phần ổn định thị trường, từng bước khôi phục và duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh doanh thương mại, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và lợi ích chung của toàn xã hội.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường. Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội không ngừng được củng cố về tổ chức, biên chế và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng Quản lý thị trường địa phương hoạt động đạt hiệu quả cao nhất. Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các Đội đã được xây dựng khang trang; xây mới kho tạm giữ hàng hóa với diện tích 3000 m2; đã trang bị 32 ô tô chuyên dụng và các công cụ hỗ trợ; trang phục thống nhất, có cờ hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu… để thực thi công vụ; trình độ đội ngũ cán bộ công chức ngày càng được nâng cao cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tác phong ứng xử... Cho đến nay, Cục Quản lý thị trường Hà Nội có 473 biên chế là công chức và 77 hợp đồng lao động.
Trong đó:
- Thạc sỹ: 72 người ( 15,22%), Đại học: 360 người (76,11%), Trung cấp: 41 người (8,67%).
- Trình độ chính trị: Cao cấp chính trị: 32 người (6,76%), Trung cấp chính trị: 209 người (44,18%).
- Ngạch công chức: Kiểm soát viên chính: 19 người (4,02%), Kiểm soát viên thị trường: 393người (83,08%), Kiểm soát viên trung cấp thị trường: 29 người (6,13%), Nhân viên kiểm soát thị trường: 23 người(4,86%).
- Cán bộ, công chức đã được cấp thẻ kiểm tra thị trường:424 người (89,64%); thẻ thanh tra chuyên ngành Công Thương: 61 người (12,89 %).
Hàng năm, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và an toàn thực phẩm; chủ động, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai những vấn đề nóng được xã hội, dư luận quan tâm như: đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả; phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đo lường - chất lượng hàng hóa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, niêm yết giá... góp phần ổn định thị trường, phát triển sản xuất - kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không để xảy ra các vấn đề nhạy cảm, điểm nóng gây bức xúc dư luận trên địa bàn Thành phố.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Cục Quản lý thị trường Hà Nội luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: vận động ký cam kết, tổ chức hội thảo chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức triển lãm hàng giả, hàng thật, thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Quản lý thị trường; đồng thời bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể liên quan nhằm tuyên truyền pháp luật đến các thương nhân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Với vai trò là Cơ quan thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 127/TP (nay là BCĐ 389/TP), Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình và tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả thực hiện trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong từng thời kỳ, hàng năm phù hợp với tình hình cụ thể của Thành phố; Giúp Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo và tổ chức phối hợp giữa các sở, ngành chức năng của Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm; Thực hiện công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Phối hợp với Đài phát thanh & Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng và triển khai chương trình kế hoạch tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban chỉ đạo 389/TP.
Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương trong Thành phố, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức lực lượng Quản lý thị trường Thành phố.
Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại sôi động. Tình hình buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại, dự báo vẫn diễn biến phức tạp, không ít mặt gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi và mang nhiều yếu tố nước ngoài, do đó việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn.
Do vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường phải không ngừng nâng cao năng lực trình độ; nắm chắc, hiểu biết sâu rộng luật pháp trong nước và quốc tế, nhất là vấn đề hội nhập quốc tế, sở hữu trí tuệ; tập trung xây dựng lực lượng quản lý thị trường chính quy hiện đại; quan tâm đẩy mạnh công tác phối hợp trong công tác Quản lý thị trường... Với tinh thần đó, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, các Đội Quản lý thị trường, mỗi công chức Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Xây dựng đội ngũ công chức lực lượng Quản lý thị trường có bản lĩnh vững vàng, có kỷ cương, đạo đức và lối sống văn hoá; xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, hiện đại; có những biện pháp tích cực để phòng ngừa và khắc phục những biểu hiện tiêu cực nảy sinh trong lực lượng Quản lý thị trường. Xây dựng công chức lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội là những người có tâm, có trí, có dũng khí của người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2. Cùng các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường nắm bắt, hiểu biết pháp luật thương mại và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia hoạt động thương mại trên thị trường.
3. Duy trì, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động làm tốt công tác quản lý địa bàn; phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại để tổ chức đấu tranh hoặc đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
4. Làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý thị trường ở địa phương; phát huy vai trò là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo 389/TP để chỉ đạo Ban chỉ đạo 389/ Quận, huyện, Thị xã, các sở ban ngành tổ chức triển khai kịp thời có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
5. Tăng cường các hoạt động phối hợp với lực lượng chức năng, các tỉnh và hợp tác quốc tế trong công tác QLTT tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
6. Tiếp tục học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp, nhanh chóng đổi mới tư duy nghiên cứu, có kế hoạch nâng cao tầm hiểu biết, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
7. Tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong cơ quan vững mạnh về mọi mặt, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ. Xây dựng và bảo vệ vững chắc danh hiệu Đơn vị văn hoá xuất sắc là nền tảng và động lực cho sự phát triển.
Nhìn lại 63 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tuy gian nan, vất vả nhưng đã đạt những thành tích rất đáng tự hào. Đó là công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ, công chức trong lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội. Với lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, Thành ủy, HĐND - UBND thành phố Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các Sở, Ngành và có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đoàn kết, đồng lòng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố và phục vụ tốt đời sống nhân dân.
Nhằm thiết thực chào mừng 63 năm ngày thành lập lực lượng Quản lý thị trường (03/7/1957-03/7/2020) và để đẩy mạnh phong trào thi đua “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” tạo không khí vui vẻ, giao lưu, gắn kết thân thiện, gắn bó trong các Tổ Công đoàn. Ngay sau Lễ kỷ niệm 63 năm ngày thành lập lực lượng Quản lý thị trường, Công đoàn Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tổ chức hội thi nấu ăn giỏi giữa các Tổ Công đoàn trong toàn lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội. Hội thi được tổ chức với tinh thần thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tự nguyện và trách nhiệm cao.
Kết thúc hội thi Ban Tổ chức đã trao 02 giải nhất về phần thi trình bày và phần thi chất lượng cho Tổ công đoàn Phòng Kiểm tra và Phối hợp liên ngành, Tổ công đoàn Đội QLTT số 1; 02 giải nhì phần thi trình bày và phần thi chất lượng cho Tổ công đoàn Đội QLTT số 20, Tổ công đoàn Phòng Thanh tra Pháp chế; 02 giải ba phần thi trình bày và phần thi chất lượng cho Tổ công đoàn Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp, Đội QLTT số 10.